CHUYỆN LOÀI VẬT GIAO CẢM

Chuyện Loài Vật Giao Cảm

 

Trong số báo PST 43 chúng ta kể chuyện một người có khả năng chuyện trò với thú vật nhất là ngựa tại Anh. Hiện tượng này giờ càng ngày càng được nhận biết và ứng dụng, thí dụ tại Hoa Kỳ số người có khả năng trên mở ra những dịch vụ đặc biệt chỉ có trong những năm gần đây, khi xã hội tỏ ra cởi mở hơn với chuyện siêu hình, và sẵn sàng chấp nhận điều tuy khác lạ nhưng là sự kiện không bác bỏ được.

Trước hết ta hãy nói về loại dịch vụ đang được cung ứng này, đó là chủ nhân khi muốn biết thêm về những con vật đang nuôi trong nhà, xem chúng vui mạnh ra sao hay muốn sửa đổi thói quen của chúng, thì sẽ nhờ người có khả năng giao cảm với thú vật trò chuyện với chó, mèo, ngựa của họ và cho chủ nhân biết nhu cầu và cảm nghĩ của vật. Có khi chó mèo đau ốm mà thú y sĩ không tìm ra được nguyên do gây bệnh, chủ nhân cũng nhờ người giao cảm hỏi chuyện con vật để tìm ra nguồn cơn, và giúp thú y sĩ định bệnh cùng chữa trị như ta sẽ kể thêm về sau.

Cách giao cảm

Nay sẽ có câu hỏi rằng người giao cảm là ai, và làm sao họ có khả năng ấy. Khả năng này là một hình thức của thần giao cách cảm (telepathy) nhưng chỉ giới hạn vào thú vật và ứng dụng cho người. Tính tới nay sự việc cho thấy đại đa số người giao cảm là phái nữ, và họ nói rằng mình không có gì đặc biệt so với ai khác, theo nghĩa ai cũng có khả năng giao cảm sẵn trong người lúc mới sinh, vấn đề là về sau khả năng ấy phát triển nhiều hay ít, được tập luyện để trở thành bén nhạy hay bị lãng quên, khiến hóa ra yếu kém mà thôi. Bằng cớ cho nhận định này là một số người giao cảm mở các khóa huấn luyện, và nhiều người đã có thể cảm nhận nhiều hơn sau khoá học, hay tăng cường khả năng để tới phiên mình đủ sức mở dịch vụ giao cảm với thú.

Con số gần đây ghi rằng có từ 100 đến 200 người hành nghề trên tại Hoa Kỳ, cách họ làm việc như sau. Đôi bên chủ nhân của thú và chuyên viên hẹn trước ngày giờ nói chuyện, người giao cảm thường làm việc qua điện thoại hơn là tới nhà của khách hàng và gặp thẳng chó mèo, cũng có khi chủ nhân mang thú của mình đến nhà chuyên viên để nói chuyện. Nếu đó là buổi giao cảm bằng điện thoại thì tới giờ hẹn, đôi bên điện thoại cho nhau và chủ nhân mô tả thú nhà muốn nhờ chuyên viên hỏi chuyện, như cho biết tên, loại chó hay mèo gì, đực hay cái, màu lông ..v..v..

Chi tiết này là để giúp chuyên viên liên kết với đúng con vật, giống như là quay đúng số điện thoại, khi đã liên kết rồi thì chủ nhân đặt câu hỏi và chuyên viên sẽ đưa thắc mắc cho thú bằng tư tưởng. Họ lắng nghe câu đáp cũng bằng tư tưởng hay hình ảnh mà thú gửi tới, rồi diễn dịch lại cho người chủ. Như vậy xen kẽ với cuộc đối thoại bằng lời giữa hai người, thì cũng có những lúc im lặng cho việc gửi và nhận tư tưởng, mỗi buổi giao cảm như vậy thường từ 30' đến một tiếng và để tránh mất thì giờ, chủ nhân được khuyên soạn sẵn câu hỏi trước. 

Trong khi ấy thì con vật làm gì, chúng có thể ở trong cùng phòng với chủ nhân khi có điện thoại mà cũng có thể ở nơi khác trong nhà, có thể ngủ hay thức nghĩa là hết sức tự nhiên thoải mái. Thú vật giao cảm với nhau luôn luôn, và lắng nghe chủ nhân nói chuyện mỗi ngày với chúng, nhưng lại không được chủ lắng nghe, vì vậy buổi giao cảm với thú là để cơ hội cho chúng nói chuyện với người, cho chủ biết ý của chúng. Có chủ nhân kể chuyện rằng bầy chim 19 con ở nhà thường khi ríu rít luôn miệng, nhưng khi buổi giao cảm bắt đầu thì căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tới lúc câu chuyện chấm dứt và họ gác điện thoại thì chim lại ồn ào như cũ, có vẻ như là chúng bàn tán về buổi giao cảm vừa xong, lần nào cũng y như vậy.

Giải thích về diễn tiến xảy ra, người giao cảm nói rằng họ chỉ làm công việc diễn dịch cho chủ và vật, thường khi chó mèo không bày tỏ ý nghĩ bằng câu nói gọn ghẽ, tức người giao cảm không lập lại y hệt câu nói của thú, mà họ tổng hợp những điều gửi tới họ để thành cảm nghĩ chuyển đến chủ nhân. Thú vật dùng tất cả cảm quan để gửi đi chuyện muốn nói, người ta có thể nghe các chữ, hay bắt được cảm giác trên thân thể, xúc động trong lòng, hay thấy hình ảnh và ngửi được mùi. Chuyên viên sẽ hòa hợp các nhận thức đến cùng lúc này thành lời để nói với chủ nhân, họ khám phá rằng giống như con người, bá nhân bá tánh thì thú vật cũng có cá tính riêng biệt, biểu lộ qua cách chúng bày tỏ ý nghĩ. Mặt khác, nếu ta đổi ý thì thú vật cũng có lúc cho cảm nghĩ hôm nay khác với tháng trước về cùng một chuyện.

Nhiều người áy náy lo lắng khi đến nhờ chuyên viên giao cảm hỏi chuyện thú nuôi trong nhà của mình, sợ điều mà thú sẽ nói, nhưng chuyên viên bảo rằng kinh nghiệm cho thấy không có con vật nào ghét người, ngược lại chúng rất dễ tha thứ.

Chứng Cớ.

Tới đây, câu hỏi đặt ra là làm sao ta biết quả thực người và thú giao cảm với nhau, lấy gì để biết rằng chuyên viên giao cảm diễn tả đúng ý nghĩ của con vật ? Chủ nhân sử dụng dịch vụ này quả có nghi ngờ, nhưng lòng hoài nghi biến mất mau chóng vì trong một số trường hợp, người giao cảm thuật lại chi tiết mà con vật kể cho họ nghe và đó là những điều họ không thể nào biết được, nếu không nhờ nói chuyện với thú. Trong trường hợp khác, chủ nhân có được kết quả ngay sau cuộc nói chuyện giữa người với vật và thắc mắc tan đi. Vài câu chuyện sau chứng minh cho điều này.

Một con chó mới có mang và chưa lộ ra nên nhìn thì không thể biết được, chủ nhân dắt chó đến nơi hẹn với chuyên viên, cô ngồi xuống đón chó rồi ngước lên nói rằng chó mẹ sẽ sinh năm chó con, và đó là số chó con chào đời hơn tháng sau. Nhưng ít khi xảy ra mặt đối mặt mà thông thường là bằng điện thoạị, vậy thì một chủ nhân nhờ chuyên viên hỏi con chó của họ rằng bạn thân nhất của nó là ai trong nhà, chó ta ậm à, ậm ừ, loanh quanh một hồi mới nói rằng nghe thì có hơi lạ tai, nhưng bạn thân nhất của nó là … một con vịt ! Người chủ này có 8 con mèo, hai con chó, một con vịt và không sao mà chuyên viên biết được có vịt trong nhà. Con chó nói thêm rằng nó và vịt nói chuyện với nhau suốt ngày bằng thần giao cách cảm, không nhất thiết phải bằng lời.

Dịp khác chuyên viên hỏi một con chó rằng điều gì quan trọng với nó nhất. Con chó đáp và chuyên viên nhắc lại cho chủ nhân nghe, đó là cô chủ, lòng kiên nhẫn, tình thương của cô, rồi chuyên viên lúng túng vì có một chữ mà họ không chắc cho lắm, họ bảo con chó nói một chữ giống như tofu (tàu hủ) nhưng không phải vậy. Chủ nhân mới hỏi “Hay là Tafu ?” thì quả là chữ Tafu. Chủ nhân mới giải thích đó là tên của một người bạn của mình rất yêu quí con chó và chó cũng thương họ.

Loài vật chỉ biết nói thực nên đôi khi chúng tiết lộ những bí mật dễ thương, chẳng hạn chúng nói với chuyên viên rằng cô chủ có thói quen vừa nấu bếp vừa hát, đây là điều mà chuyên viên hoàn toàn không hay, không sao biết được. Trong trường hợp kế con chó nói rằng nó lo lắng vì cô chủ đã khóc, hỏi ra thì cô nhìn nhận rằng có chuyện buồn nên ngồi khóc. Người khác thường nhờ chuyên viên nói chuyện với mấy con mèo trong nhà, mỗi lần như vậy lũ mèo kể là cô chủ có đầu tóc mới hay y phục mới và lần nào cũng đúng, chẳng những thế mèo còn cho lời phê bình về kiểu tóc hay thời trang của cô chủ.

Có con chó trong buổi giao cảm kể rằng nó gặp rắn, và khi chuyên viên hỏi lại chủ nhân thì đó là sự thực. Chuyện khác là chủ nhân sắp đi xa, con chim nuôi trong nhà nghe cô bàn tính việc trông coi nhà cửa trong lúc vắng mặt, chim mới nhờ chuyên viên hỏi chủ nhân rằng trong thời gian đó ai sẽ tới nhà chăm sóc nó, đó có phải là bà mập map tóc dài chăng ? Khi câu hỏi này nêu ra thì người chủ vô cùng kinh ngạc, vì đó là hình dạng của người thường được nhờ tới lo cho chim khi cô đi vắng, hiển nhiên là chuyên viên giao cảm không biết được chi tiết trên. Như ta thấy thú vật không những ghi nhận việc gì xẩy ra trong nhà, chung quanh chúng, mà còn biết nhận xét phê bình như lũ mèo vừa nói và trong chuyện sau.

Một ngày đẹp trời nọ, cặp vợ chồng kia lái xe đi ngắm cảnh chở theo con mèo, họ thong thả ngắm cảnh đẹp bên đường, và khi tới nơi thì quay xe trở về nhà chứ không dừng lại, ra khỏi xe đi tới lui cho dãn gân cốt. Trong buổi nói chuyện với chuyên viên sau đó, cô chủ kể với người giao cảm rằng có chở con mèo đi chơi, cô dùng chữ a trip, khi người này thuật lại cho con mèo nghe, mèo ta nói vặn lại rằng nó được chở đi một vòng - a ride - mà không phải là đi chơi - a trip -. Rồi mèo giải thích rằng đi chơi hay a trip là phải xuống xe, ra khỏi xe đi loanh quanh nhưng đằng này không có. Ta thấy chuyên viên không thể nào có được chi tiết là chủ nhân không xuống xe, nếu con mèo không nói.

Đó quả là những chuyện lạ lùng thú vị, và nhờ khả năng này mối liên hệ giữa thú trong nhà với người thay đổi hóa phong phú, sâu sắc và thân cận nhiều hơn. Chuyện dễ hiểu là một khi ta nói chuyện được với thú vật, biết chúng nghĩ gì, chuyện gì quan trong với chúng thì quan điểm của người thay đổi hẳn. Ta thấy rằng thú vật cũng có tư tưởng, ý kiến và cảm xúc riêng của chúng, nên kết quả là chủ nhân tỏ lòng kính trọng nhiều hơn về óc thông minh của thú nuôi trong nhà. Họ thấy không thể nào xem con vật chỉ là con vật nữa, mà nhìn chúng khác hẳn.

Ứng dụng.

Ta sang phần ứng dụng về việc giao cảm, thì người chủ có thể nhờ chuyên viên để hỏi vài điều khác thường trong hành vi của con vật. Như có người đem về nhà nuôi một con chó 6 tuổi, trong 4 tháng đầu con chó hoàn toàn làm ngơ ông chủ, không thèm nhìn và coi như không có ông trên đời. Chủ nhân mới nhờ chuyên viên hỏi chuyện, con chó kể rằng ông chủ trước cho nó đeo một cổ dề đặc biệt, ông dạy nó làm nhiều điều mà hễ làm sai thì ông gắn điện vào cổ, dề khiến nó bị điện giật đau đớn kinh hoảng như là một lối trừng phạt. Bởi vậy con chó hết sức sợ hãi ông chủ, biết được nguyên do rồi cặp vợ chồng chủ nhân mới này bèn trấn an con chó, người chồng hứa rằng ông sẽ không bao giờ làm vậy cả, và từ lúc ấy, mối liên hệ giữa con chó và ông chủ mới cải thiện dần để rồi về sau đôi bên trở thành bạn thân.

Khi con vật ở lâu với người thì sự gắn bó nảy sinh ngày càng mạnh mẽ, và nếu có quyết định gì lớn lao xẩy đến cho người hay vật, thì có thể chủ nhân muốn chuẩn bị cho con vật để chúng không bị bối rối, lo lắng. Trong bài của số 43 ta có kể chuyện một con ngựa biết chủ sắp đi xa, và tỏ ý lo lắng rằng ai sẽ chăm sóc nó khi chủ vắng nhà, cũng như không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho chủ khi đi xa có một mình. Đó là chuyện bên Anh và người chủ quả thật dự tính đi sang New Zealand, anh ngạc nhiên tự hỏi tại sao con ngựa biết để kể chuyện cho chuyên viên giao cảm nghe. Sự việc muốn nói là thú vật chung đụng với người và chứng kiến việc chuẩn bị đi xa cũng như nghe ta nói chuyện, bắt được ý nghĩ của ta. Đó là chuyện lớn còn chuyện nhỏ như việc lựa mua thức ăn cho chúng, đưa đi bác sĩ khám, và khi có bệnh thì nên mổ hay không nên mổ, bệnh nặng thì có nên chích thuốc cho con vật ngủ yên mãi mãi hay không, tất cả những dự tính suy tư của người đều được thú vật cảm nhận.

Vậy thì khi phải vắng nhà lâu, chủ nhân có thể nhờ chuyên viên giải thích với chim, chó, mèo rằng họ đi xa nhưng rồi sẽ về, và chim, mèo, chó cảm thấy thoải mái yên tâm hơn trong thời gian vắng chủ, ít có hành vi phá hoại như cắn phá hay sủa vì lo lắng không biết chuyện gì xảy ra cho chủ. Hành vi khác của thú vật cũng sửa đổi được nhờ cách nói chuyện với chúng, có người cỡi ngựa tập thi nhảy rào nhưng con ngựa luôn luôn ngừng lại trước cái rào đầu tiên, nên lần nào dự thi cũng thua. Hỏi chuyện thì hóa ra là ngựa có cái răng bị gẫy mà khi nhẩy qua rào rồi hạ người xuống,  việc bốn chân chạm đất sẽ dội ngược lại khiến ngựa bị đau răng, bởi vậy nó dừng lại trước cái rào đầu tiên để cắn chặt hàm răng, làm cho việc chạm đất sau khi nhẩy qua rào không gây đau nhức. Lẽ tự nhiên cách giải quyết hóa dễ dàng khi biết rõ, cái răng gẫy được chữa lành và sau đó ngựa đoạt giải thưởng trong nhiều cuộc đua khác.

Trở lại với thú nhà thì ta có thêm chuyện sau, một con chó lớn rất yêu quí ba của cô chủ, mỗi khi ông tới chơi thì con chó nhảy chồm lên ngực liếm khắp mặt mày ông. Ngày kia ông phải mổ tim và rồi được cho về nhà tỉnh dưỡng, trước hôm ông đến thăm con gái, cô nhờ chuyên viện tới dặn dò con chó rằng vì ông vừa mới mổ tim xong, con chó không nên nhẩy chồm lên mừng ông như mọi lần được nữa. Con chó nghe lời và còn làm hơn thế, khi ông vào nhà thì chẳng những nó không ra chào mà bỏ đi xuống bếp, hễ ông đi tới ngồi trong phòng nào thì con chó bỏ phòng đi ra để luôn luôn cách ông mấy thước. Ba bốn lần mỗi khi ông đến con gái thì con chó đều lánh xa. Nhưng rồi khi ông lành mạnh, cô chủ không nhờ chuyên viên mà nói to với chó rằng  bây giờ nó có thể nhẩy chồm lên mừng ông như cũ, con chó lập tức trở lại thói quen chồm lên ngực và liếm khắp mặt ông như trước.

Việc dùng chuyên viên giao cảm để sửa đổi hành vi của thú, không phải chỉ giới hạn cho thú nuôi trong nhà, vì các đòan xiệc cũng xử dụng dịch vụ này, người trong đoàn xiệc muốn biết rằng chó, mèo, ngựa trong đoàn có vui vẻ với màn trình diễn của chúng chứ không làm việc miễn cưỡng hay không, nên họ cho mời chuyên viên giao cảm tới nói chuyện với thú mỗi khi có dấu hiệu khác lạ. Chẳng hạn nếu con vật tỏ ý rằng nó không muốn đóng trò thì đoàn xiệc thôi không ép, không bắt nó phải làm trò và cho con vật về hưu, nhưng cũng có thể có cách giải quyết khác, như đôi bên thỏa thuận rằng sau một số màn trình diễn thì con vật được tự do ra chơi, lăn lộn trên đất trên cát cho thỏa lòng, tức được ở dơ, hành xử theo bản năng mà không phải luôn luôn theo lệnh của người. Đây là hình thức hợp đồng làm con vật vui vẻ khi đóng trò trong đoàn xiệc.

Định Bệnh cho Thú.

Nay qua đến việc dùng sự giao cảm để tìm bệnh cho con vật thì chuyện rất thú vị, bởi có sự gặp gỡ giữa điều bí ẩn là giao cảm và khoa học là khoa thú y. Trước hết có một sự kiện cần được ghi, là nhiều người giao cảm thực sự có cảm giác của con vật mà họ nói chuyện, như cô Nikki về ngựa mà ta kể trong số 43 thì khi ngựa lạnh cô cũng run lập cập, ngựa đau răng thì cô cũng đau răng, nay các chuyên viện khác xác nhận điều này là nếu chó đau chân trước bên phải, thì họ cũng thấy đau tay phải, con mèo đau cổ họng thì họ cũng thấy nhức cổ họng. Ta có nói là con vật giao cảm bằng tư tưởng, hình ảnh và cảm xúc, ở đây có thí dụ là khi con chó được hỏi cảm thấy trong người ra sao, nó đưa ra màu vàng và tối hôm ấy con chó ói ra mật vàng.

Thú vật biết chính xác về bịnh tình của chúng, nên càng ngày càng có nhiều thú y sĩ cộng tác với chuyên viên giao cảm, như thú y sĩ thường cho mời chuyên viên tới để hỏi về bịnh tình của con thú nếu họ không thể xác định, và khi có khóa huấn luyện về giao cảm thì nhiều thú y sĩ đã tham dự.

Có một trường hợp con chó đau ốm có bướu và được mang đi chữa, nhưng lối chữa trị thông thường tỏ ra không hiệu quả, nên thú y sĩ cho mời chuyên viên giao cảm đến hỏi chuyện với chó, xem có nên mổ bướu ấy hay không. Con chó cho hay là nó không muốn mổ, và bảo rằng nó biết mình bị ung thư nhưng muốn sống lâu để bảo vệ chủ. Nó yêu cầu được cho về nhà mà không phải nằm lại bệnh viện, khi được đưa về nhà rồi hai tuần sau, con chó yêu cầu thú y sĩ này chích thuốc cho nó ngủ mãi mãi, và chủ nhân cũng như thú y sĩ làm chó được mãn nguyện.

Con chó ở trên mô tả chi tiết bệnh trạng của mình chính xác tới mức làm thú y sĩ ngạc nhiên, vì người giao cảm không biết gì về bệnh lý học, về sinh hóa, họ chỉ thuật lại ý nghĩ của con vật nhưng thú y sĩ xác nhận là rất đúng thực, mà đó không phải là môt thí dụ duy nhất. Trường hợp khác là con ngựa bị đau, chủ nhân hỏi ý kiến nhiều thú y sĩ nhưng không biết chắc nguyên do, thú y sĩ mới đề nghị nhờ chuyên viên giao cảm. Người này đến hỏi chuyện ngựa và ghi lại chi tiết mà không hiểu gì cả, vì là chi tiết kỹ thuật, nhưng khi đưa cho thú y sĩ coi thì ông hiểu. Con ngựa mô tả bịnh tình của nó rõ ràng làm thú y sĩ có thể tìm ra cách chữa trị.

Hệ quả của nhiều trường hợp như vậy là nay khi thú nhà mắc bệnh, lập tức chủ nhân gọi ngay cho người giao cảm nhờ giúp đỡ như ta gọi xe cứu thương. Khi nói chuyện ,con vật có thể cho biết muốn lối chữa trị nào, hay nên làm điều gì, mặt khác nếu cần phải giải phẫu hay phải cưa chân thì chủ nhân cũng có thể giải thích cho con vật hay, để chuẩn bị tâm thần cho chúng hay chỉ giản dị là trấn an, khi mang chúng đến phòng mạch thú y sĩ. Lẽ tự nhiên điều này chỉ có khi giữa chủ và con vật có tình thương sâu đậm gắn bó với nhau.

Dịch vụ khác mà người giao cảm còn làm là tìm thú nhà đi lạc. Khi chó trong nhà đi lạc, người vợ muốn nhờ chuyên viên tìm giùm, còn người chồng thì chống đối và nghi ngờ chuyện giao cảm là không có thật. Họ cho mời chuyên viên đến 10 ngày sau và người này mới liên lạc với con chó, tuy căn nhà ở vùng đô thị nhưng con chó nói rằng nó đang ở chốn hoang dã, gần một con sông có nhiều thú rừng. Chó mô tả lại các thú rừng này như nó săn thỏ và đuổi hươu, nhưng lại sợ gấu. Thái độ nghi kỵ của người chồng làm chuyên viên giao cảm e ngại, họ thuật lại hết chi tiết mà không nói đến con gấu, sợ người chồng cho là đặt điều bởi nơi đang ở là vùng đô thị.

Người chồng không thỏa mãn với mô tả trên mà muốn có chi tiết chính xác hơn, chuyên viên mới hỏi con chó là nó có nghe hay thấy điều gì đặc biệt, con chó đáp rằng gần chỗ hoang dã này có một tòa nhà màu xanh chung quanh có rào bằng mắt xích, và trong tòa nhà này có máy chạy ầm ĩ. Nghe xong người vợ bảo nó giống như chỗ mà họ gặp gấu gần bờ sông hồi trước. Chuyên viên kể lại rằng họ rất kinh ngạc khi nghe vậy vì họ không hề nói đến con gấu. Hai vợ chồng chủ nhân mới đi tới nơi cách nhà 20 cây số, thấy tòa nhà và tìm được chó, sự việc làm cho người chồng cũng như những người khác sau khi có được chứng cớ cụ thể, không còn nghi ngờ chuyện giao cảm nữa.

Cái Chết.

Trong tình thân thiết giữa người và vật sẽ tới một lúc đôi bên phải lìa xa nhau, đó là khi con vật qua đời  và sự việc cũng cho ra nhiều điều rất đáng nói. Có một con chó đầy mẫu tính và khi chết, nó cũng vẫn giữ y đặc điểm này của mình. Lúc còn sống nó luôn luôn trông nom đàn chó con trong trại, và luôn cả những con bê con mất mẹ. Nó dành cả giờ liếm những con bê con mới sinh này, rồi khi con bê làm điều gì nó không muốn thì con chó đứng ở cửa chuồng bê sủa mắng. Ngay cả khi bê lớn thành bò sữa, con chó cũng vẫn để mắt trông coi.

Sau khi con chó qua đời nó liên lạc với người giao cảm, nhờ họ nói lại với chủ của nó rằng trong góc trại có đàn chồn con, nó muốn bà chủ đem xác nó ra đó cho chồn con ăn, tức dù đã chết con chó vẫn giữ y mẫu tính là chăm sóc cho các con vật sơ sinh khác. Bà chủ suy đoán rằng lúc còn sống, con chó này thường đi tuần khắp trại rộng 3 mẫu tây nên biết được góc trại có đàn chồn con, chính chủ nhân thì không biết gì về điều này, nhưng con chó mô tả chỗ ấy rất kỹ và khi tới đó bà khám phá ra tổ chồn con. Tuy được yêu cầu đem xác chó cho chồn con ăn, nhưng chủ nhân thương chó quá và không nỡ làm vậy, thay vào đó bà cho hỏa thiêu xác của chó, và đem thức ăn nuôi đàn chồn con tới khi chúng lớn dần.

Thú vật có thể cho chủ hay rằng chúng không sợ chết và sẵn sàng ra đi khi ngày giờ tới, chúng có khuynh hướng lo lắng về chủ còn ở lại hơn là việc chúng sắp qua đời. Khi đau ốm chúng có thể trấn an chủ rằng mình không bị đau đớn để chủ yên lòng, có con chó bị ung thư và bỏ ăn nhưng chưa muốn được chích thuốc cho ngủ mãi mãi, nó nói với chủ qua người giao cảm rằng muốn nấn ná thêm vài ngày nữa với chủ.

Trong hai tuần sau đó chó vẫn đi dạo với chủ mỗi ngày, sinh hoạt bình thường và rồi nằm chết trên tay chủ. Ở trường hợp khác con vật muốn chủ tắm rửa chải chuốt cho nó trước khi chích thuốc, và có thể còn cho biết muốn được chôn trong cái khăn màu vàng ưa thích, thí dụ vậy. Chủ nhân nói rằng việc biết được ý muốn của chó làm cho giờ phút chia tay diễn ra hết sức bình an.

Một con chó khác cô chủ là thú y sĩ, khi ngày giờ tới nó muốn thú y sĩ khác chích thuốc ngủ cho nó mà không phải là cô chủ, để cô ôm nó trên tay và chó được nằm yên thiếp ngủ trong lòng cô. Thú vật mỗi con mỗi khác, có con chó không muốn chủ ôm trên tay lúc chích thuốc, vì nó sợ rằng bệnh tình khiến nó không còn kiểm soát được việc tiêu tiểu của cơ thể và làm dơ quần áo chủ, nên yêu cầu rằng mình được chích thuốc ở phòng mạch của thú y sĩ.

Nếu ta nhìn sự việc theo quan điểm tinh thần thì không có cái chết, không phải chết là hết, thú vật biết điều này, chúng không cưỡng lại mà sống và chết theo luật thiên nhiên đó. Một con chó qua đời và chủ muốn nó tái sinh với mình trở lạị, ngày kia cô đến xem đàn chó sinh ra lông trắng nhưng một con chó có đốm nâu dưới tai y chỗ như con chó trước, và cô chủ biết ngay đây là con chó cũ của mình. Chuyện khác thì một con chó giống từ Iceland được mang qua Mỹ nuôi, khi nó qua đời cặp vợ chồng chủ nhân muốn có lại con chó này mà cũng là giống Iceland. Họ mới nhờ bạn bè lựa mua một con chó con gửi qua, khi đến phi trường nhận chó thì người chủ cảm biết rằng đây là con chó cũ, và mang về nhà thì con chó con này tự động ngủ y chỗ, làm những điều hệt như chó trước đã ngủ, đã làm.

Một người có con chó qua đời và trong năm năm sau họ không nuôi con chó nào khác, rồi họ muốn có chó trở lại và con chó mới này khi bước vào nhà thì cô chủ biết ngay đó là con chó cũ. Nó đi ra vườn hì hục đào lên một quả banh tennis chôn từ lâu, và sủa một tràng như muốn nói,  “Chà, mấy năm rồi quả banh vẫn còn đây.” Lần trước nó là chó đực, kỳ này trở lại nó là chó cái và khi cô chủ hỏi tại sao, con chó đáp, “Tại cô có thành kiến ! “ Chủ nhân khác kể rằng sau khi con chó qua đời, thỉnh thoảng khi nhìn ra cửa sổ bằng khóe mắt mà không nhìn thẳng, thì cô vẫn cảm thấy bóng dáng con chó, cô tin rằng đó là thể thanh con vật và dù qua đời đã ba năm, con chó vẫn tiếp tục đi tuần quanh vườn rộng của nhà như lúc còn sống. Tới lúc kia muốn nuôi chó tiếp, cô mới đến trại chó xem đàn chó con mới sinh, khi bế từng con lên xem để chọn lựa thì có một con nói thật rõ với cô rằng, “Đem tôi vê, đem tôi về nhà “. Cảm tưởng mạnh mẽ quá nên cô lấy con chó, và tin chắc rằng đây là con chó cũ nay trở lại. Cũng từ khi ấy cô không còn thấy bóng dáng con chó trước nữa.

Chót hết giá trị của thuật giao cảm không phải chỉ giới hạn vào loài vật không mà thôi, mà còn ứng dụng rất tốt đẹp cho người. Như về bệnh Tự kỷ tức Autism thì một số trẻ không nói được, có gia đình nhờ chuyên viên giao cảm với con bị tự kỷ. Cô gái đã trưởng thành nhưng bị xem là trì độn thiếu thông minh, tuy nhiên chuyên viên khám phá là cô có trí tuệ linh hoạt, chỉ có điều là không diễn tả được ý nghĩ, cô gửi tư tưởng đi y như thú vật nói chuyện với người. Cô kể lạị những chuyện trong nhà mà mẹ cô sợ rằng con không hiểu. Khi được chuyên viên giao cảm thuật lại, bà mẹ khóc suốt buổi nói chuyện vì khám phá này, và từ đó bà xử dụng dịch vụ giao cảm thường xuyên để nói chuyện với con, cũng như các gia đình có con bị tự kỷ bắt đầu chú ý đến cách liên lạc mới đó. Tiềm năng của việc giao cảm vì vậỵ còn lắm bất ngờ kỳ lạ.

Những mẫu chuyện trên đây quả là thú vị, tuy nhiên ý nghĩa của sự việc đáng làm chú ý hơn. Trước hết ta thấy rằng đây là một trong nhiều phương cách để chân lý đến với con người, hay nói khác đi nhiều đường lối được sử dụng để con người ý thức chân lý tùy hoàn cảnh. Đông phương quen thuộc với luật tái sinh nhưng tây phương không được vậy, nay qua việc giao cảm với thú thì ý niệm luân hồi, đời sống tinh thần vẫn tiếp diễn sau cái chết, được trình bày mà không mang mầu sắc tôn giáo, khiến người có tinh thần cởi mở ở tây phương dễ dàng chấp nhận hơn.

Điểm thứ hai là quan niệm về loài thú sẽ bị thay đổi lớn lao, sau khi có khám phá rằng thú vật cũng biết suy nghĩ, cảm xúc như người. Một số chúng ta đã chấp nhận điều ấy nhưng còn nhiều người khác chưa được sẵn sàng, nay chứng cớ mạnh mẽ làm khó mà duy trì quan niệm rằng thú vật không có phần linh hồn, tâm linh như ta. Khi niềm tin này được phổ cập hơn, thì đó là một bước tiến gần hơn đến tình huynh đệ đại đồng giữa các loài. Như vậy, việc giao cảm với thú vật không phải chỉ giới hạn có thế, mà còn là cánh cửa dẫn tới nhiều điều khác, làm các chân lý vĩnh cửu được xác nhận trở lại trong thời đại mới, phần tâm linh của sự sống hoá hiển nhiên hơn. Tất cả hàm ý là nhân loại luôn luôn được chăm sóc dù không ý thức, và nhiều đường lối được sử dụng để thúc đẩy sự tiến hóa của con người, cũng như để truyền đạt chân lý theo cách thích hợp.

Thông Xanh 

Sách đọc thêm:
You Can Talk to Your Animals 
By Janine Adams